Từng là thí sinh vào chung kết cuộc thi Robocon năm 2008, sau đó có đồ án tốt nghiệp về thiết kế hệ thống điều khiển cho tòa nhà thông minh được giữ lại trường đại học, CEO Nguyễn Mạnh Toàn tự tin lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực smarthome.
Khát khao lớn của một startup nhỏ
“Việt Nam rất nhiều người giỏi. Thế nhưng nhiều năm nay, thế giới vẫn chỉ nhắc tới Việt Nam như một “điểm sáng” về xuất khẩu lúa gạo. Tại sao mình không có những sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” hàm lượng “chất xám” cao, giá trị lớn, có thể khiến thế giới nhắc tới Việt Nam như một quốc gia có nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới? Câu hỏi đó đã trở thành động lực thôi thúc tôi thành lập Homegy năm 2019”, ông Nguyễn Mạnh Toàn, Tổng Giám đốc Homegy chia sẻ.
CEO Nguyễn Mạnh Toàn lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực smarthome – theo anh là một lĩnh vực rất tiềm năng (Statista thống kê tháng 12/2022, ước tính doanh thu smart home trên toàn cầu đạt 222,9 tỷ USD vào năm 2027).
Xuất thân từ dân kỹ thuật, tự thấy mình còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, điều hành doanh nghiệp, nhà sáng lập Homegy sẵn sàng trả mức lương cao để mời chuyên gia về tư vấn, hỗ trợ.
Tuy nhiên, smarthome là một ngành chuyên biệt, tìm được chuyên gia vừa có tâm vừa có tầm không phải chuyện đơn giản.
“Chúng tôi đã mất không ít tiền để xây dựng đội ngũ. Có những chuyên gia chúng tôi đã mời về với mức lương cứng 50 triệu đồng/tháng chưa kể hoa hồng doanh thu, thậm chí để giữ được họ mình còn phải đồng ý chia cả cổ tức, cổ phần. Tổng chi phí trả lương cho đội ngũ chuyên gia mỗi tháng cũng lên đến hàng trăm triệu. Thế nhưng đội ngũ chuyên gia này cũng chỉ chạy được tầm 6 tháng vì quá trình làm thực tế rất nhiều vướng mắc và không đạt hiệu quả như ý. Song nếu không thử thì làm sao biết được có thành công hay không”, ông Toàn vừa cười vừa kể.
Năm đầu tiên khởi nghiệp, doanh thu của Homegy chỉ đạt mấy trăm triệu đồng. Những khách hàng đầu tiên chủ yếu là bạn bè, người quen.
“Chúng tôi phát triển hệ thống đại lý chứ không bán lẻ. Nhiều đối tác đồng ý hợp tác chỉ vì tin tưởng chúng tôi sẽ thành công với đam mê và khát khao lớn. Trong đó phải kể đến anh Thanh – nhà phân phối ở Thái Nguyên, đã đi cùng chúng tôi từ ngày đầu khởi nghiệp đến giờ. Anh cho hay đã định bỏ về sau khi làm việc với một nhân viên kinh doanh của Homegy, nhưng qua buổi trò chuyện với tôi, anh quyết định đầu tư 300 triệu đồng để làm nhà phân phối của chúng tôi tại Thái Nguyên. Bởi anh cũng là chủ một doanh nghiệp có hơn 300 nhân sự, cũng nghĩ rằng tiền không phải là tất cả, ngoài mục tiêu tăng trưởng doanh thu, thị trường, thì doanh nhân cần phải làm được nhiều việc có ý nghĩa cho quê hương, đất nước”, CEO Homegy chia sẻ.
Ra mắt thị trường chưa được bao lâu, Homegy sớm phải đương đầu với thách thức lớn: Đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Khởi nghiệp đúng giai đoạn thị trường khó khăn. Nhiều khi tôi nghĩ mình không thể vượt qua. Rất may đến giờ cũng đã qua giai đoạn “thử lửa”, Homegy đã “sống” được 5 năm và có sự trưởng thành nhất định. Đến nay hệ thống phân phối của chúng tôi gần như đã có mặt khắp 63 tỉnh thành với trên 150 nhà phân phối, đại lý trên toàn quốc”, ông Toàn tâm sự.
Đầu tư R&D để làm chủ công nghệ
Nhà sáng lập Homegy xác định, nếu muốn trở thành công ty công nghệ thì R&D phải là nền tảng cốt lõi. R&D được xem như yếu tố quyết định dẫn đến sự thành bại của một doanh nghiệp. Đặc biệt khởi nghiệp giai đoạn đầu phải tập trung phát triển sản phẩm. Kênh bán hàng tốt mà sản phẩm không ổn thì rất dễ mất uy tín thương hiệu, và sẽ rất khó lấy lại.
Vì thế, hàng năm, công ty chi trên 30% ngân sách cho R&D.
“Nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các sản phẩm tại Việt Nam, chúng tôi xác định làm bài bản chứ không theo kiểu “hớt váng” nhập sản phẩm OEM về bán. Từ phần cứng đến phần mềm đều do kỹ sư Homegy tự phát triển và làm chủ công nghệ. Tất cả sản phẩm, chúng tôi đều tự làm cả khuôn vỏ, dập logo chìm hoặc nổi trên vỏ, để bảo vệ thương hiệu của mình và bảo vệ người tiêu dùng không mua phải hàng nhái, hàng giả. Bộ khuôn của 1 sản phẩm nếu làm tốt cũng phải 200 – 300 triệu đồng, thậm chí còn hơn. Hệ sinh thái của chúng tôi có đến vài trăm chủng loại sản phẩm, riêng tiền đầu tư khuôn vỏ cũng rất lớn”, ông Toàn chia sẻ.
Homegy là một trong những đơn vị tiên phong đưa Bluetooth Mesh (công nghệ mở rộng khả năng kết nối của các thiết bị Bluetooth) vào smarthome.
Tháng 10 năm ngoái, Homegy chính thức ra mắt giải pháp Smarthome thế hệ thứ hai, trong đó có bộ điều khiển giọng nói phản hồi 2 chiều, tích hợp công nghệ Bluetooth Mesh và công nghệ sóng hồng ngoại – sản phẩm công nghệ mới với những tính năng lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường.
Thực ra trên thị trường đã có một số sản phẩm điều khiển bằng giọng nói như trợ lý ảo Alexa của Amazon hay Maika của OLLI…, nhưng nếu mất Internet thì trở thành “cục gạch”, và muốn điều khiển các thiết bị trong nhà cần có thiết bị trung gian làm cầu nối, dẫn đến tăng chi phí cho người sử dụng.
Sản phẩm điều khiển giọng nói Sapphira của Homegy ra đời để giải quyết những vấn đề trên: Vận hành không cần server (máy chủ) và Internet, không cần bộ điều khiển trung tâm, tích hợp đa tính năng như điều khiển ti vi, quạt, điều hòa…. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng điều khiển giọng nói bằng tiếng Việt (phù hợp với người già, trẻ nhỏ cũng như giọng nói các vùng miền).
“Chúng tôi tích hợp All-in-One (tất cả trong một), nếu Internet có vấn đề hay bộ điều khiển trung tâm bị hỏng, người dùng vẫn có thể ra lệnh bằng giọng nói để vận hành các thiết bị trong gia đình qua sóng Bluetooth Mesh và hồng ngoại. Homegy đang chuẩn bị hồ sơ thủ tục để đăng ký sáng chế cho bộ điều khiển giọng nói bằng hồng ngoại sau hơn 2 năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ mới này”, CEO Nguyễn Mạnh Toàn thông tin.
Startup Việt học theo mô hình phát triển của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple…, với đồ thị công nghệ theo hình mặt cười, trục tung thể hiện giá trị gia tăng, còn trục hoành là chuỗi sản xuất. Giá trị gia tăng cao nhất ở 2 mép mặt cười, một là Thiết kế và R&D, một là Marketing và Dịch vụ khách hàng. Còn phần sản xuất nằm ở đáy mặt cười mang lại giá trị gia tăng thấp nhất. Apple thiết kế ra iPhone, thiết kế ra hệ điều hành iOS…, nhưng thuê đơn vị gia công lắp ráp cho họ và phải tuân thủ theo quy trình kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt của họ.
Tự đặt sứ mệnh “Mang lại trải nghiệm người dùng tốt nhất cho khách hàng thông qua phần cứng, phần mềm và dịch vụ sáng tạo”, khi thiết kế sản phẩm, đội ngũ Homegy tính toán đến từng thao tác của người sử dụng từ khi rút điện thoại ra đến khi điều khiển được các thiết bị trong gia đình.
“Với quan điểm “thông minh là phải đơn giản, dễ sử dụng”, các sản phẩm của Homegy được thiết kế theo hướng bất kể người già, trẻ con, những người không biết chữ… đều có thể sử dụng được. Điển hình như App 3D, người dùng muốn điều khiển quạt quay thì nhấn tay vào hình cái quạt , muốn điều hòa chạy thì nhấn vào hình điều hòa… Sản phẩm có giao diện điều khiển 3D nhưng đưa hiệu ứng chuyển động vào để người dùng có thể sử dụng một cách đơn giản nhất, trực quan nhất, có thể gọi nó là công nghệ 4D cũng được. Ngày 26/6/2020, chúng tôi đã đăng ký và được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận về quyền tác giả cho cho App 3D này”, ông Toàn nhấn mạnh.
Danh mục sản phẩm smarthome không chỉ gồm công tắc điện thông minh, ổ cắm thông minh, cảm biến thông minh… mà còn có cả thiết bị gia dụng thông minh, thiết bị điều khiển kết nối thông minh, chiếu sáng thông minh…
“Quan điểm của chúng tôi: Người giỏi không phải người làm tất cả, mà phải biết tích hợp vào hệ sinh thái đầy đủ để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Ví dụ, chúng tôi không mạnh về mảng gia dụng thông minh, không thể làm tốt như các bên chuyên về gia dụng thông minh, thì phải tích hợp với họ và cùng quản lý, điều khiển trên 1 app. Hệ sinh thái của Homegy là hệ sinh thái mở và có khả năng tích hợp với hệ sinh thái sản phẩm của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Hiện tại, chúng tôi đã tích hợp thành công với hệ sinh thái sản phẩm của Apple, Amazon, Google, Tuya, Rạng Đông… (đều có thể điều khiển qua app của Homegy). Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Phillips Hue, hay Xiaomi… để tích hợp hệ sinh thái của họ với chúng tôi”, ông Toàn lý giải.
Đưa sản phẩm “Make in Vietnam” chất lượng châu Âu ra thế giới
Hệ sinh thái sản phẩm “Make in Vietnam” của Homegy hiện có vài trăm loại, riêng công tắc cũng khoảng 50 loại (vuông, chữ nhật, lõm, phẳng, đen trắng…).
Ngay những ngày đầu nghiên cứu và phát triển các sản phẩm “Make in Vietnam”, đội ngũ Homegy đã hướng đến thị trường xuất khẩu, nên từ khâu thiết kế phần cứng, thiết kế khuôn vỏ hay lựa chọn vật liệu để làm sản phẩm đều hướng đến những tiêu chuẩn cao của các thị trường khó tính như châu Âu.
Homegy nhắm vào phân khúc cao cấp nên viền nhôm đang sử dụng cho các sản phẩm sử dụng công nghệ CNC từ nhôm nguyên khối, mạ anode và phun cát mịn, khác với những đơn vị khác là sử dụng nhôm đúc sau đó đánh bóng lại. Doanh nghiệp Việt này lựa chọn nhà cung cấp là vendor đang mạ tai nghe cho Samsung (viền nhôm công tắc Homegy gần như tương đương với viền nhôm điện thoại). Cùng với đó, bo mạch nhập linh kiện Mỹ; xử lý nhiệt đới hóa sử dụng lớp tẩm phủ nhập của Hàn Quốc; vỏ nhựa cũng nhập hạt nhựa của Hàn Quốc…
“Tôi luôn mong muốn người Việt Nam được hưởng thụ sản phẩm công nghệ chất lượng cao tiêu chuẩn châu Âu với mức giá bình dân của Việt Nam, và ai cũng có thể được sử dụng nhà thông minh. Trước kia tỷ phủ Bill Gate muốn xây 1 ngôi nhà thông minh phải mất trăm triệu USD. Bây giờ công nghệ phát triển do người Việt Nam làm chủ, chỉ cần 15 – 20 triệu đồng thôi cũng có thể sử dụng một số sản phẩm cơ bản của nhà thông minh rồi”, ông Toàn nhấn mạnh một số điều tâm đắc nhất về sản phẩm của Homegy.
Theo một báo cáo phân tích thị trường nhà thông minh, từ năm 2017 đến 2027, doanh thu thị trường nhà thông minh trên toàn cầu tăng trưởng gấp khoảng 5 lần, nhưng tại Việt Nam tăng trưởng tới khoảng 16 lần. Số liệu này cho thấy thị trường nhà thông minh ở Việt Nam rất tiềm năng.
Smarthome chỉ là lõi nền tảng ban đầu. Những bước tiếp theo của Homegy sẽ là phát triển Smartbuilding (tòa nhà thông minh), Smarthotel (khách sạn thông minh), Smartfarm (trang trại thông minh), Smart City (thành phố thông minh)…
Với tầm nhìn trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, bên cạnh nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành số 1 Việt Nam về nhà thông minh vào năm 2030, Homegy đang từng bước chinh phục thị trường quốc tế.
“Từ một startup còn hạn chế về nguồn lực trở thành tập đoàn công nghệ vươn tầm thế giới sẽ là một hành trình khá dài, không thể làm được ngay trong ngày một ngày hai. Doanh nghiệp muốn bứt tốc thì phải nghĩ lớn nhưng muốn phát triển bền vững thì phải làm từ những bước nhỏ chắc chắn. Hiện chúng tôi đã có một số đối tác ở Nga, đang dò hướng xuất khẩu ra các thị trường Đông Nam Á… Tùy từng thị trường sẽ phải có thiết kế riêng theo đặc thù văn hóa – xã hội cũng như thói quen của người dùng”, ông Toàn nhìn về tương lai.
“Để đưa sản phẩm thương hiệu Việt ra thế giới cần nguồn lực rất lớn, nếu tự đi một mình thì sẽ khó đi nhanh và hiệu quả. Chúng tôi rất muốn có thêm những người đồng hành, nhất là sự hỗ trợ từ Nhà nước. Hiện Việt Nam vẫn thiếu cơ chế chính sách tốt hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ phát triển một cách bùng nổ. Những khởi nghiệp trẻ như chúng tôi rất cần có sự “ươm mầm” để có ngày “thu quả ngọt”, CEO Homegy bày tỏ mong muốn lớn nhất của mình.